Hai thanh niên livestream kể về những ngày "khủng khiếp" tại hang ổ lừa đảo ở Campuchia
Ngày 26/3, A Kun và A Nhanh (xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã tham gia livestream kể về những ngày sống khổ nhục, bị hành hạ, ép buộc lên mạng lừa đảo tại một hang ổ lừa đảo ở Campuchia.
Ngày 26/3, UBND xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) phối hợp Công an xã tổ chức Hội nghị Nhận diện chiêu bài lừa gạt đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao. Hội nghị được phát livestream để người dân xem trực tuyến.
Tại hội nghị được livestream, anh A Kun chia sẻ, tháng 10/2024, anh cùng A Nhanh và A Kiên bị đối tượng xấu lôi kéo đi làm việc nhẹ lương cao. Công việc của họ là đi Thái Lan và về TP.HCM bốc vác lúa. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo lại chở nhóm A Kun sang Campuchia. Đến nơi thì cả ba mới biết bị lừa.
A Kun kể về những ngày sống trong "địa ngục trần gian" sau khi bị lừa, cho người dân xã Đăk Na hiểu, tránh sập bẫy.
Tại Campuchia, nhóm 3 người của A Kun được đưa vào ở chung với khoảng 9 người khác. Nơi ở, làm việc, sinh hoạt là căn nhà được cô lập với thế giới bên ngoài, xung quanh xây tường cao 5m và quấn thép gai bên trên, được gắn camera và bảo vệ canh gác 24/24h như ngục tù. Ai bỏ trốn sẽ bị đánh đến chết.
Ban đầu, do mới nhập hội, cả ba được giao nhiệm vụ tập đọc và gõ chữ trên máy tính. Sau 15 ngày, họ bị ép buộc tham gia vào công việc lừa đảo qua mạng, làm việc từ 22 giờ đêm đến 2 giờ sáng hôm sau. Thời gian còn lại, các nạn nhân bị giam cầm trong phòng, không được tiếp xúc với bên ngoài và phải chịu đựng chế độ ăn uống khổ hạnh chỉ với nửa chén cơm, cơm thừa và canh cặn.
A Kun cho biết do không thể lừa đảo được ai nên bản thân thường xuyên bị đánh đập, tra tấn và chích điện. Hành vi này diễn ra khoảng 4 lần mỗi tháng.
Xác định rằng nếu tiếp tục ở lại chắc chắn sẽ không sống sót, A Kun đã cùng nhóm lập kế hoạch trốn khỏi hang ổ lừa đảo Campuchia. Vào cuối tháng 1/2025, A Kun và A Nhanh quyết định bỏ trốn. Tuy nhiên, trong lần trốn đầu tiên chỉ có A Nhanh thành công, còn A Kun lại bị bắt và phải chịu thêm những đòn đánh tàn nhẫn.
Sau khi trốn thoát khỏi nơi giam giữ, A Nhanh lập tức lao vào cánh rừng. Trong lúc chạy trốn, em bị nhóm khoảng 10 người truy đuổi, dùng đèn pin soi từng gốc cây, hốc đá để săn lùng.
"Nếu bị bắt lại, em sẽ bị đánh đập đến chết. Em sợ đến mức đã trốn trong hố cát cả đêm. Khi thấy nhóm người truy đuổi rời đi, em mới tiếp tục băng rừng bỏ chạy. Không có đồ ăn, thức uống, em phải nhịn đói, nhịn khát suốt 2 ngày 2 đêm. Cuối cùng, em bị lạc qua Thái Lan và bị cảnh sát tạm giữ, nhưng may thay đã được lực lượng chức năng hỗ trợ và đưa về nhà", A Nhanh kể.
A Nhanh kể về những ngày sống khổ nhục, bị hành hạ tại hang ổ lừa đảo ở Campuchia.
Trong khi đó, sau lần trốn đầu tiên thất bại và bị đánh đập dã man, A Kun không nản lòng. Anh tiếp tục trốn trong những lần sau và cuối cùng, vào lần thứ ba, cùng với A Kiên, anh đã thành công trốn thoát. Họ chạy vào khu rừng xanh, sống trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt, không có thức ăn, chỉ hút thuốc để giữ ấm và tối ngủ dưới đất. May mắn thay, nhờ sự giúp đỡ của người dân địa phương, họ được hướng dẫn đến khu người Việt ở Campuchia và sau đó đưa về quê an toàn.
"Khi đặt chân về đến nhà, được gặp lại người thân, em mới nhận ra mình đã thoát khỏi địa ngục trần gian", A Kun tâm sự.
Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, vào ngày 23/3, UBND xã Đăk Na đã đã phối hợp với Công an xã Đăk Na, Công an tỉnh Kon Tum đưa thành công anh A Nhanh (SN 2006, thôn Ba Ham, xã Đăk Na) từ Thái Lan về địa phương an toàn. A Nhanh là một trong 3 nạn nhân bị lừa đảo sang Campuchia "làm việc nhẹ, lương cao". Trong khi đó, A Kun và A Kiên trốn thoát được ra ngoài và được người dân giúp đỡ đưa về địa phương vào ngày 24/2.
VĂN TÙNG