Tu Mơ Rông: Bảo tồn văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch
Tu Mơ Rông: Bảo tồn văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch
Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào DTTS luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Tu Mơ Rông quan tâm gắn với phát triển du lịch, từ đó tạo ra các sản phẩm văn hoá đa dạng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
Ông Phạm Xuân Quang- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025” (viết tắt là Dự án 6), trong 3 năm qua (2022-2024), UBND huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn và các địa phương liên quan tổ chức thực hiện, bước đầu có những hiệu quả thiết thực, góp phần thu hút du khách, đưa hình ảnh du lịch của huyện vươn ra với các tỉnh bạn.
Cụ thể, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện công tác thông tin tuyên truyền Dự án 6 với nội dung phong phú, phù hợp với đối tượng, tình hình thực tế tại địa phương, bằng nhiều hình thức. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò và trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với phát triển du lịch.
|
UBND huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa-Thông tin và Trung tâm Văn hoá, Thể thao, Du lịch và Truyền thông huyện tham mưu đăng ký nội dung, chỉ tiêu, chi tiết vốn sự nghiệp thuộc ngân sách Trung ương thực hiện Dự án 6 và rà soát, thành lập đội văn nghệ truyền thống thôn DTTS tại các xã. Bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Dự án 6, huyện hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao cho 15 thôn thuộc các xã trên địa bàn huyện, bao gồm các hạng mục chính như: hệ thống loa âm thanh, ti vi, cồng chiêng, sân bóng đá, bóng chuyền, sửa chữa nhà rông, trang phục truyền thống dân tộc Xơ Đăng và bàn, ghế, bục tại nhà rông phục vụ cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ với kinh phí từ 100-150 triệu đồng/thôn.
Đồng thời, Dự án 6 còn hỗ trợ hoạt động cho 6 đội văn nghệ truyền thống tại các xã (Đăk Hà, Tu Mơ Rông, Tê Xăng, Đăk Sao, Ngọk Lây) với tổng kinh phí 436 triệu đồng, tập trung vào việc mua loa âm thanh, đèn điện, dây điện chiếu sáng, trang phục hoa văn truyền thống, đàn t’rưng, hỗ trợ luyện tập. Đặc biệt, đầu tư 3,7 tỷ đồng hỗ trợ bảo tồn làng, bảo vệ văn hoá truyền thống làng Pu Tá, xã Măng Ri gắn với phát triển du lịch. Trong đó, sửa chữa 84m2 nhà rông truyền thống, xây mới 106,6m2 nhà sàn truyền thống và làm mới nền đường dạo nội bộ, điện chiếu sáng, trồng cây xanh, hệ thống nước; đồng thời, bảo tồn trang phục truyền thống, văn hoá ẩm thực truyền thống, nghề thủ công, dân ca, dân vũ, âm nhạc truyền thống. Hiện nay, công trình này đang triển khai, phấn đấu đến cuối năm 2025 hoàn thành.
Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án 6, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện tại các địa phương, đơn vị. Thông qua các đợt kiểm tra, các đoàn kịp thời nắm bắt và đề xuất biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại các đơn vị. Đối với các khó khăn vượt thẩm quyền, các đơn vị, địa phương báo cáo, đề xuất các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh để nghiên cứu, đề xuất theo quy định.
Có thể nói, việc thực hiện Dự án 6 góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc Xơ Đăng trên địa bàn huyện. Đến nay, toàn huyện có trên 200 bộ cồng chiêng (bao gồm của tập thể và cá nhân), 86/86 thôn có nhà rông, riêng xã Măng Ri duy trì 1 làng nghề dệt thủ công truyền thống. Các xã đều có nghệ nhân rèn, đan lát các công cụ, dụng cụ phục vụ lao động sản xuất và đồ dùng gia đình như rèn dao, rựa, cuốc; đan rổ, gùi. Đặc biệt, các đội văn nghệ truyền thống các thôn được luyện tập thường xuyên, nên trong các cuộc thi trình diễn cồng chiêng, xoang các cấp đã đạt kết quả cao.
|
Năm 2025 là năm cuối cùng của giai đoạn 2021-2025 thực hiện Dự án 6, vì vậy, UBND huyện tiếp tục tăng cường chỉ đạo các xã và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa trong phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc; đẩy mạnh công tác sưu tầm, tiếp tục phục hồi và giữ gìn các lễ hội, các ngành nghề truyền thống; thực hiện tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa vật thể ở huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Xuân Quang nhấn mạnh, trong thời gian tới, huyện phát huy vai trò của cộng đồng khu dân cư và từng người dân, nhất là người DTTS trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của các dân tộc. Trong đó, khuyến khích các nghệ nhân dân gian, những người hiểu biết về văn hóa trong các cộng đồng dân tộc trao truyền di sản văn hóa dân tộc mình cho thế hệ trẻ tiếp thu; khuyến khích lớp trẻ tiếp thu các di sản văn hóa, nhất là sử dụng, bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ, trang phục, thực hành các loại hình nghệ thuật dân gian, nghệ thuật cồng chiêng, xoang, các lễ hội truyền thống để đưa các hoạt động này vào phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trần Văn Phúc