A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người Xơ Đăng gìn giữ văn hóa truyền thống

Tu Mơ Rông là vùng đất có người đồng bào Xơ Đăng chiếm 95% dân số. Bà con nơi đây vẫn luôn nêu cao ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

Nằm ngay dưới chân núi Ngọc Linh hùng vĩ, mảnh đất Tu Mơ Rông là nơi quần tụ của hàng trăm nghìn người Xơ Đăng. Họ đã sống trên mảnh đất này từ bao đời nay và có nhiều nét văn hóa đặc sắc. Văn hóa của người Xơ Đăng rất phong phú và đa dạng, nổi bật là nghệ thuật tạo hình dân gian với lối kiến trúc nhà rông tiêu biểu và các loại nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, các nhạc cụ như tơ rưng, ting ning, klông put cùng các làn điệu dân ca, dân vũ.

Ngoài ra, người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông hiện vẫn gìn giữ được hệ thống lễ hội diễn ra quanh năm; từ nghi lễ vòng đời người, nghi lễ nông nghiệp cho đến những lễ hội liên quan đến sự tồn tại và phát triển của cộng đồng. Bên cạnh đó, còn có cả một kho tàng về tri thức văn học nghệ thuật dân gian như hát kể sử thi, điệu múa xoang, nhịp cồng chiêng uyển chuyển mê hoặc lòng người được đồng bào dân tộc Xơ Đăng gìn giữ.

Đồng bào Xơ Đăng tích cực gìn giữ văn hóa truyền thống. Ảnh: HN

 

Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng, những năm qua, huyện Tu Mơ Rông đã chủ động sưu tầm, quản lý và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Xơ Đăng nhằm góp phần thực hiện tốt các mục tiêu lớn về văn hóa đã được xác định trong Nghị quyết TW 5 khóa VIII về “Xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Ngoài ra, huyện Tu Mơ Rông cũng đã xây dựng kế hoạch khôi phục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2026. Đồng thời, hằng năm đều tổ chức ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, trình diễn nhạc cụ dân tộc và dân ca dân vũ với mục đích để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong các ngày hội ấy, các lễ hội, trình diễn trang phục dân tộc, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, đàn hát dân ca, dân vũ và các môn thể thao dân tộc được tái hiện, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Xơ Đăng. 

Đặc biệt, trong 2 năm (2021 và 2022), UBND huyện trích kinh phí hỗ trợ cồng chiêng, trống cho 15 thôn, làng ở các xã trên địa bàn huyện. Đồng thời, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở các lớp truyền dạy cồng chiêng xoang cho thế hệ trẻ ở các thôn làng trên địa bàn.

Đến nay, qua rà soát, toàn huyện có trên 200 bộ cồng chiêng (chiêng lễ và chiêng hội của cả tập thể và cá nhân hộ gia đình) và nhiều loại nhạc cụ dân tộc như klông put, klong tap, ting ning. Đặc biệt, đồng bào dân tộc Xơ Đăng nơi đây hiện vẫn gìn giữ được 12 lễ hội tiêu biểu mang nét đặc sắc riêng của người Xơ Đăng như lễ hội mừng lúa mới, lễ trỉa lúa, mừng năm mới. Toàn huyện hiện có 86/86 thôn có nhà rông (trong đó, 47 nhà rông có sàn gỗ, vách bằng gỗ, mái lợp tôn, trụ bê tông; 39 nhà rông truyền thống được làm bằng nguyên liệu tự nhiên). Tiêu biểu như các xã Đăk Na, Đăk Sao, Tu Mơ Rông có 100% thôn làng bảo tồn nhà rông truyền thống.

Đăk Na là một trong những xã vùng sâu khó khăn nhất của huyện Tu Mơ Rông. Xã có 12 thôn, làng với tổng số hơn 790 hộ dân, 100% là dân tộc Xơ Đăng. Trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, nhưng đồng bào Xơ Đăng nơi đây vẫn gìn giữ được nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng và phong phú và mang sắc thái riêng. Nhiều bộ cồng chiêng, đàn tơ rưng, đàn klông pút, các làn điệu dân ca ting ning và đặc biệt, các lễ hội như lễ tết dân tộc, lễ ăn lúa mới, lễ bắc máng nước, lễ cồng chiêng và nhà rông văn hóa… vẫn được đồng bào dân tộc Xơ Đăng nơi đây chung tay gìn giữ. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở xã vùng sâu Đăk Na vẫn luôn nêu cao ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống theo cách riêng của mình để bản sắc văn hóa truyền thống mãi được lưu giữ cho thế hệ sau.

Học sinh Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông gìn giữ văn hóa truyền thống. Ảnh: H.N

 

Đến nay, mỗi thôn của xã Đăk Na đều có đội văn nghệ, nghệ nhân và có nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng của từng thôn lưu giữ và trao truyền lại cho thế hệ trẻ. Toàn xã vẫn lưu giữ được 23 bộ cồng chiêng của các hộ gia đình, cá nhân. Xã cũng có hơn 100 người biết đánh cồng chiêng, trong đó, có nhiều nghệ nhân giỏi, không chỉ biết đánh cồng chiêng mà còn biết kỹ thuật chỉnh sửa cồng chiêng như nghệ nhân A Ngự (thôn Đăk Riếp 2), A Nhục  (thôn Mô Bành 1).

Ông A Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Na cho biết: Đồng bào Xơ Đăng ở đây rất có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống bản sắc văn hóa của dân tộc. Vì vậy, đến nay, 100% thôn làng đều có đội cồng chiêng, múa xoang, nhiều lễ hội vẫn được gìn giữ. Bà con sống đoàn kết, thể hiện tính cộng đồng cao.

“Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo bí thư chi bộ thôn, các đoàn thể thôn vận động các hộ dân có cồng chiêng phải gìn giữ, không nên bán, vừa để gìn giữ, vừa để phục vụ đánh cồng chiêng trong các ngày lễ, lễ hội của dân tộc. Đồng thời, tiếp tục triển khai các lớp dạy đánh cồng chiêng dạy múa xoang, chế tác nhạc cụ, đan lát, rèn, chỉnh chiêng, hát giao duyên trong tầng lớp nhân dân, cho lớp trẻ ở các thôn, làng gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm phát huy giá trị truyền thống dân tộc”- ông Dũng cho hay.

Điều đáng mừng là để nâng cao lòng tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, di sản văn hóa cồng chiêng, xoang nói riêng của dân tộc Xơ Đăng, các trường học trên địa bàn huyện đã chủ động liên hệ với nghệ nhân trên địa bàn mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho học sinh. Nhờ đó, đến nay, toàn huyện đã có 12 trường học xây dựng đội cồng chiêng xoang trong trường. Các đội cồng chiêng này thường xuyên tham hội thi cồng chiêng, múa xoang dành cho học sinh do huyện tổ chức hằng năm. Đây là việc làm thiết thực, ý nghĩa để thế hệ trẻ người Xơ Đăng tiếp tục gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của cha ông. 


Tác giả: Hà Nam
Nguồn:https://kontum.org/tin-tuc-tong-hop/van-hoa-the-thao Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Video Clip
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 21
Tháng 09 : 407
Năm 2024 : 7.596
Năm trước : 31.937
Tổng số : 63.053